Lịch sử Khiết_Đan

Hình thành và phát triển

Từ các giả thuyết trên đã dẫn đến những giả thuyết khác biệt về sự hình thành của dân tộc Khiết Đan[6]. Phổ biến nhất là người Khiết Đan vốn xuất phát từ tộc Tiên Ti, sau đó hình thành như một bộ lạc nhánh của tộc Khố Mặc Hề (Kumo Xi), sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Thủy thuộc thượng du sông Liêu (ngày nay là sông Tây Thích Mục Luân của vùng Nội Mông). Đến năm 388, họ phát triển hùng mạnh và chinh phục các bộ lạc xung quanh. Cùng với sự phát triển của tộc Tiên Ti trở thành vương triều Bắc Ngụy, kiểm soát miền Bắc Trung Quốc, tộc Khiết Đan cũng trở nên hùng mạnh và được ghi nhận lần đầu trong lịch sử.[7]

Thời kỳ liên minh bộ lạc

Suốt từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7, người Khiết Đan thường xuyên bị sự chèn ép từ phía Nam (các triều đình Bắc triều, nhà Tùy, nhà Đường). Thời vua Đường Thái Tông, chính quyền nhà Đường đã thiết lập Tùng Mạc Đô đốc phủ ở đây, đồng thời ban cho thủ lĩnh của họ (một người họ Lý) đảm nhận chức Đô đốc. Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, tộc Khiết Đan dần dần lớn mạnh nhưng vẫn bị các dân tộc hùng mạnh lân cận ở phía Tây (Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ, thậm chí từ vương quốc Cao Câu Ly ở phía Đông, khống chế và gây áp lực. Để chống lại, từ những bộ lạc du mục nhỏ, sinh sống bằng chăn nuôi và đánh bắt cá, họ đã liên kết với nhau thành một liên minh 8 bộ lạc lớn. Cuối đời Đường, khi mà vùng Trung Nguyên bắt đầu bị chiến tranh loạn lạc thì người Khiết Đan nhân cơ hội này vùng dậy, trở thành một thế lực rất hùng mạnh ở vùng đất hoang vu phía Bắc (vùng Nội Mông), thường xuyên xâm nhập vào miền Bắc Trung Quốc để bắt người Hán về làm ruộng và thu thuế. Người Khiết Đan cũng bắt đầu học hỏi bắt chước người Hán cách thức tổ chức chính quyền và sáng chế văn tự.

Lập quốc và cường thịnh

Bản đồ vị trí giữa Liêu, TốngTây Hạ.

Năm 907, một thủ lĩnh của bộ lạc Điệt Thích tên là Da Luật A Bảo Cơ được bầu là thủ lĩnh của liên minh 8 bộ lạc. Sau khi nắm quyền thủ lĩnh tối cao, A Bảo Cơ đã dùng vũ lực để thống nhất 8 bộ lạc Khiết Đan, đồng thời xâm chiếm đất Đột Quyết, tiêu diệt tộc Hề, thu phục các bộ lạc nhỏ xung quanh. Năm 916, A Bảo Cơ tự xưng đế kiến quốc, xây dựng một quốc gia chủ nô - nô lệ. Quốc gia Khiết Đan được thành lập, ban đầu có quốc hiệu là Khiết Đan (916-947), sau đấy đổi quốc hiệu là Đại Liêu (947-983), rồi trở lại thành Khiết Đan (983-1066), cuối cùng lại trở lại là Liêu 1066 cho đến khi diệt vong.

Quốc gia Khiết Đan non trẻ nhanh chóng cường thịnh, nhiều lần xâm nhập Trung Nguyên, thậm chí từng đem quân tiêu diệt Hậu Đường (936), Hậu Tấn (947), tấn công Hậu Hán (950), Hậu Chu (951). Trong thời kỳ cường thịnh nhất, dân tộc này từng là chủ nhân của một đế quốc rộng lớn bao trùm cao nguyên Mông Cổ và phía Bắc Trung Quốc, phía Bắc tới tận hồ Baikal, phía Đông sát Sakhalin, phía Tây vượt dãy núi Altai, phía Nam tới các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây ngày nay.

Do quản lý một quốc gia rộng lớn với nhiều sắc tộc khác nhau, người Khiết Đan đã hình thành một chính sách nổi tiếng về sau: "Một quốc gia, hai chế độ". Chính sách này được tóm tắt bằng câu "Dĩ Quốc chế trị Khiết Đan, dĩ Hán chế đãi Hán nhân" (已國制治契丹,已漢制待漢人). Quản lý người Khiết Đan thì dựa theo chế độ quý tộc bộ lạc Khiết Đan, quản lý người Hán thì dựa theo thể chế nhà Đường. Chính sách này đã đem lại hiệu quả to lớn, đặc biệt vào đầu thế kỷ 11, quốc gia Khiết Đan đã chuyển đổi hoàn toàn từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Quân đội Khiết Đan hùng mạnh, liên tục uy hiếp Bắc TốngTây Hạ, buộc hai quốc gia này phải thần phục.

Suy tàn và diệt vong

Đầu thế kỷ thứ 12, nước Liêu bước vào giai đoạn suy tàn. Năm 1114, một thủ lĩnh của tộc người Nữ Chân là Hoàn Nhan A Cốt Đả, liên kết với Bắc Tống, mang đại quân cướp đất Đại Liêu, một năm sau dựng nên nhà Kim. Nhà Kim đã hạ lệnh giết sạch những người Khiết Đan phản kháng, trong đó có một cuộc chém giết kéo dài hơn 1 tháng. Đến năm 1125 thì hầu hết lãnh thổ Khiết Đan đã bị người Nữ Chân chinh phục. Một bộ phận dân tộc Khiết Đan ở lại lãnh thổ của họ, hòa huyết với người Nữ Chân. Một bộ phận người Khiết Đan khác theo hoàng thân Da Luật Đại Thạch di tản về phía Tây, dựng nên nước Ha Lạt Khiết Đan tức triều Tây Liêu ở giữa Trung Á và Tân Cương. Nước này cũng có một thời cường thịnh nhưng cuối cùng bị đại quân đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt. Những tàn dân Khiết Đan lại chạy về miền Nam của Iran ngày nay lập nên vương triều Khởi Nhi Man (Qierman). Không lâu sau, vương triều này cũng tàn lụi. Dưới sự cai trị của Mông Cổ, các cuộc chinh chiến liên miên khiến cho tộc người thiện chiến Khiết Đan phần lớn bỏ thây nơi chiến địa, số còn lại phân tán khắp nơi và nhanh chóng bị dân cư địa phương đồng hóa.